728 x 90

‘Mặc áo dài đi lễ đầu năm là dấu ấn văn hóa Việt’

‘Mặc áo dài đi lễ đầu năm là dấu ấn văn hóa Việt’
Hiện nay, nhiều người cho rằng màu nâu là màu của người già. Nhưng tôi không đồng tình. Nước da chung của người Việt không đen nhưng cũng không quá trắng. Do vậy, khi diện màu nâu, da sẽ được tôn lên. Những cô gái trẻ mà mặc áo màu nâu, gương mặt sẽ sáng hơn hẳn, không cần trang phục quá màu mè, đa sắc.
fatoda
Xuân Thu, một nhà thiết kế thời trang được biết đến với những bộ sưu tập đậm chất Việt sinh năm 1969, tuổi Gà. Nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017, nữ nghệ sĩ gửi đến Zing.vn bài viết bày tỏ quan điểm về văn hóa ăn mặc của người Việt truyền thống trong những ngày đầu năm và tính cách của những người tuổi Gà mà chị đúc rút từ chính bản thân và người xung quanh.
mặc áo dài đi lễ đầu năm là dấu ấn văn hóa việt
Nhà thiết kế Xuân Thu sinh năm 1969 được biết đến với bộ sưu tập thời trang thuần Việt như Gốm Việt, Duyên và sắp tới là Lửa. Ảnh: NVCC.
Đi lễ ngày Tết, không thể ăn mặc thiếu chuẩn mực
Tôi sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa của Đồng bằng Bắc bộ. Do đó, nếp sống và suy nghĩ bị ảnh hưởng rất nhiều từ căn cốt văn hóa của người nông dân châu thổ.
Tôi hiểu rằng cha ông ta xuất thân từ nghiệp trồng lúa, quanh năm đầu tắt mặt tối, chân nấm tay bùn nên trang phục thường ngày, cốt giản dị, thoáng đãng là được.
Màu truyền thống trong trang phục của người Việt là màu nâu. Hai cụ Bùi Xuân Phái và Trần Cung gọi đó là màu nâu sòng. Đây là một gam màu tối, gần với màu đất nên rất phù hợp với công việc của người nông dân. Màu nâu không những trang nhã, dung dị mà còn toát lên sự bình đẳng giữa người với người.
Hiện nay, nhiều người cho rằng màu nâu là màu của người già. Nhưng tôi không đồng tình. Nước da chung của người Việt không đen nhưng cũng không quá trắng. Do vậy, khi diện màu nâu, da sẽ được tôn lên. Những cô gái trẻ mà mặc áo màu nâu, gương mặt sẽ sáng hơn hẳn, không cần trang phục quá màu mè, đa sắc.
Trước đây, áo dài màu nâu cũng được các bà, các mẹ ưa chuộng để đi lễ chùa đầu năm. Chốn cửa Phật thanh tịnh, nếu diện màu đỏ chói, xanh ngắt sẽ không thực sự thích hợp với không gian. Nhưng nếu mặc màu nâu sòng thì không ai chê trách được. Chẳng thế mà nâu cũng là một màu phục trang của các nhà sư.
Tất nhiên, khi cuộc sống phát triển, nhiều mẫu thiết kế ra đời. Người Việt có nhiều lựa chọn về sắc màu cho những “bộ cánh” của mình. Đi lễ đầu năm, không nhất thiết phải chọn gam màu đất nữa mà có thể diện những bộ áo dài nhiều màu, với thiết kế cành đào, hoa sen, vừa tôn vóc dáng, lại làm đẹp chốn cảnh chung.
Sự đa dang và cách tân trong thiết kế truyền thống, ắt hẳn ít người lên án. Nhưng tôi không thể chấp nhận được việc một số người mặc trang phục hở hang, gợi cảm đi lễ đầu năm. Đó là một hành động phản cảm và rất cần sự vào cuộc của truyền thông và công luận.
Tết năm nào tôi cũng chứng kiến những hình ảnh không đẹp như vậy, khiến bản thân không thể không lên tiếng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng người Việt có thể đơn giản trong áo quần thường ngày nhưng khi đi đình chùa, đặc biệt là vào những ngày lễ Tết, bao giờ trang phục cũng gọn gàng, chỉn chu.
Nam ăn mặc lịch sự, khăn đóng áo dài hoặc vest lịch lãm, còn nữ diện áo dài, trước đây các bà, các mẹ còn vấn đầu. Điều cơ bản đó từ lâu đã trở thành căn cốt, dấu ấn văn hóa. Do vậy, việc ăn mặc không chuẩn mực, thậm chí phản cảm khi vào chốn tôn nghiêm, thờ phụng là hoàn toàn không nên và không thể xuề xòa chấp nhận.
mặc áo dài đi lễ đầu năm là dấu ấn văn hóa việt
Xuân Thu (bên trái) với người mẫu trong bộ sưu tập Duyên, giới thiệu cách đây một năm với những thiết kế lấy ý tưởng từ trang phục người Kinh Bắc.
Người tuổi Gà thường chăm chỉ, chắt chiu
Tôi là một nhà thiết kế và tôi luôn muốn hướng đến sự thuần Việt trong những thiết kế của mình. Nếu phải tự giới thiệu về bản thân mình, có lẽ, điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi tuổi Gà. Tính cách của một người sinh năm Dậu, tôi nghĩ rằng mình hội tụ tương đối đầy đủ.
Người tuổi Gà thường chăm chỉ, chắt chiu trong cuộc sống. Đối với công việc thì cẩn trọng, chỉn chu và có lòng quyết tâm cao. Đó cũng thường là những người dám nghĩ dám làm, dám làm dám chịu và một khi đã chơi thì sẽ chơi đến cùng.
Lời tổng kết đó tôi tích lũy từ chính bản thân mình và những người đồng niên, cùng tuổi Gà xung quanh. Có thể điều ấy không hoàn toàn đúng với tất cả mọi người nhưng ở góc độ cá nhân, tôi thấy mình là người như thế.
Gà còn là con vật biểu trưng cho 5 đức tính tốt của con người là văn, vũ, dũng, nhân, tín. Là phụ nữ, tôi không biết mình có đạt được 5 đức tính đó không. Nhưng tôi luôn cố gắng để trở thành một người tể tế, trong những thiết kế và trong cả cách đối nhân xử thế với người xung quanh.
Người ta cũng bảo gà là loài vật đánh thức ngày mới. Trong gia đình, tôi dám nhận mình là người đánh thức. Dù không phải là trụ cột kinh tế trong gia đình, tôi lại luôn được ông xã tin tưởng giao cho quyền quyết định, trong đó có cả việc học hành của con cái.
Trong công việc, tôi không tham vọng mình phải là người mở đường cho một hướng đi nào đó. Nhưng tôi muốn hướng dẫn và truyền lửa cho những bạn trẻ yêu thích thời trang, cốt làm sao để họ yêu thích công việc hơn. Và mỗi lần làm việc là một lần hăng say, một lần tỉ mỉ với cái đẹp.
Tuổi Dậu là như vậy, và tôi thấy mình đúng là một "con gà"!